Và thời buổi này, thật khó để người ta không nhắc đến 2 từ Content, vì nó gần như là giá trị cốt lõi trong mọi vấn đề, mọi lĩnh vực, mọi phương thức. Nếu bạn có một sản phẩm hay đến mấy, mà Content bạn làm để giới thiệu sản phẩm đó không được tốt, thì khả năng rất cao là chả ai mua hàng của bạn. Nếu bạn có kiến thức về một lĩnh vực (một ngạch nào đó) mà bất cứ ai cũng thèm muốn, rồi bạn viết Content như “…” thì họ (tức là bất-cứ-ai kia) cũng xách-mông-lên-và-đi!
Việc làm Content tốt sẽ giúp bạn bán được nhiều hàng hơn, nhiều người quan tâm đến bạn hơn (đó là những công chúng mục tiêu), chương trình của bạn chuyên nghiệp và tuyệt vời hơn, hay thậm chí là các kỹ năng sống của bạn cũng tăng lên rõ rệt. Bạn viết nhiều, khả năng sử dụng ngôn ngữ của bạn sẽ tốt dần lên, vốn từ của bạn sẽ tăng lên, và những vốn từ và cách sử dụng ngôn ngữ đó sẽ giúp bạn có khả năng nói, giao tiếp tốt hơn, điều đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ có nhiều mối quan hệ hơn, nhiều cơ hội hơn…
Nếu để nói về những hiệu ứng tích cực từ việc làm Content tốt mang lại thì mình có thể liệt kê ra một đống lý do, nhưng ở đây mình chỉ muốn nói Content trong thời đại công nghệ số này nó cũng như chính bản thân chúng ta trong cuộc sống, đầu tư vào Content luôn là một sự đầu tư cần thiết và đầy khôn ngoan.
Biểu hiện của một Content không tốt là: không có người quan tâm, không có các tương tác xã hội, phản hồi từ người xem (với cùng một loại đối tượng mục tiêu) không đồng nhất (người khen quá nhiều, người chê cũng không ít),… Và rõ ràng là trong chúng ta, ai cũng đau đầu về vấn đề này.
VẬY, LÀM CONTENT NHƯ THẾ NÀO CHO HIỆU QUẢ?
Nói đến làm Content, thì nó rộng lớn vô cùng, và tất nhiên bài viết này không hướng đến với sản phẩm A thì phải phân tích như thế nào, sản phẩm B thì phải viết ra sao…. Vì nếu để viết về những cái đó thì bao nhiêu cũng không đủ. Ở bài viết này mình sẽ chủ yếu hướng đến vấn đề : “Làm thế nào để viết một nội dung tốt?” – Có nghĩa là có người đọc, nhiều người khen, và nó có ích cho bạn (thường là về sau).
Dưới đây là một vài kinh nghiệm của mình trong việc xây dựng Content, nó có thể là đúng, là sai, nhưng hãy thử đứng dưới góc nhìn của một-kẻ-mới và đọc nhé bạn. Sự trải nghiệm luôn là cần thiết.
Việc làm Content của bất kỳ một người nào đó thường sẽ theo một quy trình:
1. Xác định được chủ đề mình cần làm Content.
2. Xác định được mục tiêu (hiệu quả).
3. Làm Content để đáp ứng mục tiêu đó.
4. Đo lường mục tiêu (hiệu quả).
Và thường thì mọi người hay bỏ quả (2) và (4). Rất hiếm trường hợp một Content được viết ra khi không có bất cứ một mục tiêu nào có thể đạt được những hiệu ứng tích cực. Vậy nên trước khi làm Content, chúng ta hãy thử dành ra một chút thời gian để định hình và mường tượng ra mục tiêu (hiệu quả) mà Content đó mang lại. Bạn sẽ hình dung ra được những việc mình cần làm, đầu tư vào Content tốt hơn và có thêm động lực để làm.
I. Xác định chủ đề của Content
Thường thì việc xác định được chủ đề của Content sẽ có 2 dạng:
1. Được quyền quyết định (trong trường hợp bạn làm cho mình, đôi khi là tùy hứng thích cái này, thích cái kia, hoặc kể cả khi bạn làm cho người khác, nhưng bạn được quyền quyết định….)
2. Không được quyền quyết định (trong trường hợp bạn làm cho công ty, bạn làm theo ý người khác,…)
Với quyền được quyết định, bạn sẽ phải đau đầu cân nhắc về việc mình sẽ viết gì? nên viết gì? và cần viết gì? Rõ ràng nó không dễ dàng gì đúng không. Dưới đây là một số cách để mình xác định được chủ đề cần viết.
1. Lĩnh vực mình giỏi
2. Lĩnh vực mình đam mê
3. Chủ đề HOT, được nhiều người quan tâm
4. Chủ đề MỚI, có khả năng tạo ra xu hướng
5. Cảm xúc
Nếu ngoài mấy đề mục này, khả năng cao là Content của bạn dù có đầu tư tốt đến mấy cũng tạch, hoặc nhiều nhất nó chỉ có giá trị thời vụ, không hiệu quả.
Phần (1) và (2) thì giống như kiểu anh giỏi gì thì anh viết về cái đó đi, hay anh thích cái gì thì anh viết về cái đó với tất cả sự đam mê và lao đầu tìm hiểu nghiên cứu đi.
Nếu tới đây mà CEO của Facebook xin từ chức thì có lẽ đó là chủ đề HOT, các Content liên quan đến chủ đề này sẽ được quan tâm và sốt xình xịch, còn giờ mà viết thì khéo ăn gạch! Đó là phần (3).
Thời gian vừa rồi mình có tìm hiểu và nghiên cứu về Facebook Marketing, tìm ra một cách Targeting Audiences (hướng đến đối tượng mục tiêu) hiệu quả là GET UID. Và bài viết được lan truyền một cách nhanh chóng, mình được nhiều người trong ngành biết đến hơn, vì là người chia sẻ đầu tiên. Đó là một chủ đề mới, và đã tạo ra xu hướng.
Khỏi nói rồi, để đi đến túi tiền một người, bạn phải đi vào trái tim của họ, mà để vào được trái tim của họ thì cách nhanh nhất là từ trái tim đi đến trái tim, chỉ cần phần (1) hoặc (2) kết hợp với phần (5) – viết bài theo cảm xúc, và đó là ngưỡng cao nhất mà một người làm Content có thể đạt được đối với ngành của họ. Nếu Content của bạn chỉ riêng phần (5) thôi thì dạng Content của bạn lại theo một dạng khác, dù sao thì vẫn dễ lan truyền hơn.
Và hiệu ứng tốt nhất mà một người làm Content có thể đạt được, vượt ra khỏi ngành của họ, đó là kết hợp cả 5 phần trên!
Sau đó, bạn hãy liệt kê ra tất cả mọi thứ bạn có thể tìm thấy, có thể nghĩ ra. Với bài trên mình liệt kê ra như sau:
Bạn giỏi cái gì?
- Digital Marketing
- Marketing Online
- SEO
- SEM
- Email Marketing
…
Bạn thích cái gì?
- Nghiên cứu / ứng dụng Marketing Online
- Chia sẻ kiến thức
- Kết nối cộng đồng
…
Các chủ đề HOT hiện nay trong ngành Marketing Online?
- Facebook Marketing
- SEO
- Adword
- Youtube Marketing
- MMO
…
Từ 3 phần trên mình liệt kế được khá nhiều chủ đề cần viết:
- SEO in Marketing
- Làm SEO Onpage
- Làm SEO Offpage
- SEO & Social Media
…
Liệt kê tất cả các chủ đề có thể viết được và nhớ là cần phải có điểm ưu tiên cho chủ đề đó, để biết được viết cái nào trước, cái nào sau. Hãy thử tìm kiếm trên Google xem những chủ đề này đã có người nói đến chưa, quan điểm của họ ra sao… chọn một số chủ đề hay và có tiềm năng.
Sau khi liệt kê đầy đủ, mình chọn chủ đề tư duy Marketing trong SEO, vì nó không trùng lặp, và nó thích hợp với đại đa số mọi người. Và một danh sách dài các bài viết chờ 1 dịp nào đó sẽ viết như Social & Media, SEO Onpage,…
II. Xác định mục tiêu (hiệu quả) khi viết Content
Đại đa số mọi người thường bỏ qua phần này vì nghĩ nó không quan trọng, hoặc thậm chí không thèm nghĩ tới! Cá nhân mình thì nghĩ, tin và hiểu rằng việc xác định rõ ràng mục tiêu viết trước khi làm Content là một điều rất quan trọng và cần phải làm.
Việc xác định mục tiêu viết Content không mất nhiều thời gian, và đôi khi nó mang giá trị về tinh thần khá nhiều. Việc của bạn đơn giản là liệt kê ra mục tiêu bạn có thể đạt được sau khi xây dựng xong Content này.
Như mình khi xác định được chủ đề cần viết, mình bắt đầu nghĩ đến mục tiêu hiệu quả cần đạt được khi Content được sản xuất:
- Thêm nhiều người Follow Facebook (200)
- Thêm nhiều Subcrides Email Website (50)
- Tăng Traffic truy cập Website (500 visitors/day)
- Thêm nhiều cơ hội hợp tác ngành đào tạo / tư vấn (5 cơ hội mới)
Và hãy lưu ý, đó phải là một mục tiêu SMART (thông minh):
- Nó phải cụ thể: Đặt những mục tiêu mơ hồ cũng như việc bắt các bạn xếp hình mà không có tranh mẫu hay lái xe trong sương mù vậy.
- Nó phải đo lường và ước lượng được: Thay vì nói chung chung rằng “tôi muốn kiếm thật nhiều tiền”, hãy nói rằng “tôi muốn tăng gấp đôi thu nhập trong 1 năm”.
- Nó đòi hỏi nhiều hơn khả năng hiện tại của bạn: Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy tràn đầy sinh lực và phấn khích. Tất nhiên, ban đầu những mục tiêu này có vẻ như không thực tế nhưng nó buộc bạn phải suy nghĩ để tìm cách đạt dựoc nó. Hãy nhớ lấy câu này “tất cả mọi chuyện đều có thể, điều quan trọng là làm như thế nào”.
- Nó phải có tính khả thi: Mục tiêu không thể quá viển vông, ví dụ như là bạn mới bị sa thải vì thiếu năng lực làm việc mà lại dám đặt mục tiêu trở thành triệu phú vào năm sau. Mục đích của bạn phải có cơ sở thực tế và khả năng hoàn thành. Nếu không mục tiêu sẽ trở thành gánh nặng và làm bạn cảm thấy mệt mỏi mà thôi.
- Nó phải có mục đích rõ ràng: Sau khi xác định mục tiêu, hãy viết ra giấy tất cả những lí do vì sao điều này quan trọng với bạn.
- Lập kế hoạch hành động: Mục tiêu sẽ chẳng là gì nếu bạn không lập kế hoạch để đạt được nó.
Điều gì sẽ diễn ra khi mục tiêu quá chung chung? Bạn sẽ luôn cảm thấy mình đang làm một điều hết sức vĩ đại, mọi người dễ dàng chấp nhận, và bạn có thể không cảm thấy mình cần phải cố gắng để làm tốt nhất có thể.
III. Xây dựng Content
Sau khi xác định được chủ đề cần làm từ bước (I), và được tăng thêm động lực làm việc từ bước (II), bước này hy vọng bạn đã đủ nhiệt để bắt tay vào xây dựng content.
Dưới đây là các bước xây dựng Content bạn cần phải làm:
1. Xác định công chúng mục tiêu
2. Xác định từ khóa
3. Kiểm soát và tập trung xây dựng Content
4. Tối ưu Content
5. Kênh truyền thông
Chà, khá nhiều bước nhỉ. Bản thân mình cũng không nghĩ rằng khi liệt kê ra thì cái quy trình nó lại tốn nhiều công sức như thế này. Nhưng thực tế là khi mình làm content, mình không bỏ qua một bước nào, do làm Content nhiều nên có 1 số quy trình đã dần được tự động hóa ở trong đầu.
Xem slideshare: Tài liệu về sơ đồ tư duy.
3.1. Xác định công chúng mục tiêu
Bạn có định hình được những người sẽ đọc/tham gia vào Content của bạn họ là ai, họ có đặc điểm như thế nào không? Thường thì khi làm Content chúng ta hay bị ảo tưởng rằng một khi đã làm Content về ngành đó, là tất cả những người trong ngành đó “khả năng cao” là họ sẽ quan tâm. Thực ra thì không có cái khả năng đó đâu. Vì trong mỗi ngành đều có các vấn đề, các chia sẻ, các thắc mắc, có cấp độ từ khó đến dễ, từ đơn giản đến phức tạp.
Content của bạn đáp ứng được nhu cầu của ông đòi hỏi những thứ cao siêu thì hẳn là nó không dành cho ông newbie, nếu có thì hoặc là content của bạn phải dài lê thê để chiều lòng cả 2 ông, hoặc là khả năng xây dựng Content của bạn phải thượng thừa. Vấn đề thứ 1 là điều hiển nhiên ai cũng dính, vì khoảng cách từ newbie -> pro là một khoảng cách rất xa, và dài thì người ta rất ngại đọc, trừ khi bạn có một chiến lược rõ ràng cho việc xây dựng Content dài. Đó là cái bẫy mà người làm Content hay mắc phải. Cái thứ 2 thì hơi hiếm.
Hãy liệt kê các công chúng mục tiêu mà bạn có thể hướng tới, ví dụ với trường hợp mình:
- Người chưa biết gì về SEO
- Người biết một chút về SEO
- Người đã đi làm lâu năm về SEO
- Người có đẳng cấp cao về SEO
- Doanh nghiệp cần làm SEO
- Đơn vị đào tạo SEO
Và sau một hồi phân vân mình quyết định chọn cả 6 ông này là… công chúng mục tiêu. Với các mục đích rõ ràng cho từng nhóm công chúng mục tiêu:
- Người chưa biết gì về SEO: Sau khi đọc bài này họ sẽ hiểu được thực chất SEO là gì, và họ biết mình cần phải bắt đầu từ đâu.
- Người biết một chút về SEO: Bài viết này sẽ giúp họ củng cố thêm kiến thức hoặc nhìn nhận rõ hơn về những cái mình đang làm.
- Người đã đi làm lâu năm về SEO: Nếu đã làm lâu năm về SEO mà chưa lên được đẳng cấp cao thì đây có thể là cơ hội để họ nhìn lại và tối ưu quy trình làm việc của mình hơn nữa, để có thể đạt được một đẳng cấp cao.
- Người có đẳng cấp cao về SEO: Đây là cơ hội tốt cho mình, để họ có thể nhìn nhận mình dưới một con mắt khác, cái mình hướng tới là khi họ đọc xong bài viết này và chỉ có thể nói được rằng: “Đúng là như vậy!”
- Doanh nghiệp cần làm SEO: Họ đọc được bài viết hay, về mảng họ đang đầu tư rất nhiều tiền của mà không ăn thua, họ sẽ tìm chủ bài viết này là ai, và ra mình. Tuy rằng mình không làm dịch vụ, nhưng mình có thể đẩy sang cho anh em khác cần cơ hội. Quá ngon.
- Đơn vị đào tạo SEO: Cơ hội để mình làm một HLV hoặc một Diễn Giả.
Từ nhóm công chúng mục tiêu này, mình cần phải xác định được cách xây dựng Content của mình phải như thế nào, làm sao để cả 6 ông đọc vào đều thấy ưng, mà để làm được điều đó, mình phải biết được đặc điểm của họ và tìm ra giải pháp.
- Người chưa biết gì về SEO: Là người mới nên mình cần phải viết dễ hiểu.
- Người biết một chút về SEO: Cái giảm giác vừa biết nhiều, vừa biết ít nó rất ảo, có thể khi đọc bài này họ sẽ tự cho mình cái cảm giác hiểu hết. Mình nên có ví dụ cụ thể và xuyên suốt và bài viết.
- Người đã đi làm lâu năm về SEO: Ít nhiều họ đã có cách nhìn nhận đánh giá và có nhiều năm kinh nghiệm, những kiến thức cơ bản hay những ví dụ đơn giản không thể lung lay được họ. Hãy phân tích có chiều sâu.
- Người có đẳng cấp cao về SEO: Họ có cái tôi lớn khi đọc bài chia sẻ của một thằng khác về chủ-đề-mà-họ-giỏi, mình có 2 sự lựa chọn, một là nâng họ lên (rất có khả năng họ sẽ bỏ qua luôn vì không độc bài của… gà), hai là leo lên phía trên họ (hoặc ít nhất là ngang hàng), và điều mình chọn là thể hiện cái tôi trong bài viết.
- Doanh nghiệp cần làm SEO: Họ cần 3 mục đầu. Đáp ứng đủ là ngon.
- Đơn vị đào tạo SEO: Họ cần 4 mục đầu. Mình cần có thương hiệu cá nhân, thể hiện cái tôi là đúng rồi.
Bước này giống như việc đứa con của bạn đang sắp chào đời, bạn đang tưởng tượng ra tính cách mà đứa con của bạn cần có. Hãy note lại những gì bạn đã xác định được từ nhóm (các nhóm) công chúng mục tiêu của bạn.
3.2. Sử dụng từ khóa
Ở đây chúng ta sẽ xác định rõ 2 vấn đề liên quan đến việc xác định “từ khóa” trong xây dựng Content:
- Đáp ứng chính xác nhu cầu của nhóm công chúng mục tiêu: Thường sẽ là tiêu đề/chủ đề của Content đó.
- Từ khóa phổ biến – ngắn gọn – đáp ứng nhu cầu của nhóm công chúng mục tiêu: Các từ khóa này thường được sử dụng để làm SEO trên các Search Engines trong Marketing Online, hoặc được hiển thị nội bật trong Content.
Lưu ý: Trong hầu hết các trường hợp, việc xác định từ khóa để xây dựng tiêu đề/chủ đề của Content đều được lấy từ nhóm Từ khóa phổ biến. Và thường thì tiêu đề/chủ đề của Content sẽ được viết trước khi viết Content và sửa đổi sau khi Content đã xong.
Chúng ta tiếp tục liệt kê ra các từ khóa đó, càng nhiều càng tốt: làm seo cơ bản, làm seo nhận thức, nhận thức seo, quy trình làm seo, làm seo với tư duy marketing,…
Và chọn các từ khóa sắp xếp theo một (hoặc nhiều) tiêu chí:
- Đúng với chủ đề Content nhất.
- Trái ngược hoàn toàn với chủ đề Content.
- Từ khóa phổ biến nhất.
- Từ khóa ít được người làm Content sử dụng nhất.
3.3. Kiểm soát và tập trung xây dựng Content
Đến đây là bạn hoàn toàn có thể bắt đầu xây dựng Content rồi. Tuy nhiên, sẽ rất nhiều quay ra tự hỏi rằng: “Mình đang viết cái gì đây?“. Hoặc đối với những Content quá dài, bạn dễ bị lạc đường trong chính cái mê cung của mình.
Trong những Events lớn, người dẫn chương trình luôn cần 1 tờ khung chương trình, đó là để kiểm soát và tập trung vào nội dung của chương trình. Với chúng ta-những người làm Content cũng vậy, cần phải kiểm soát những gì sẽ làm và tập trung vào những gì nên làm.
Hãy lưu lại danh sách từ khóa đó, rất nhiều việc cần dùng đến.
Nào, giờ bạn hãy sử dụng sơ đồ tư duy mindmap hoặc ít nhất là liệt kê ra các đề mục cần phải có trong Content của bạn đi, ví dụ với chủ đề ”Xây dựng quy trình làm SEO từ trong …nhận thức !” mình liệt kê ra được 8 đề mục cần giải quyết:
1. SEO là gì?
2. SEO là gì trong Marketing?
3. Nghiên cứu Sản phẩm
4. Nghiên cứu người dùng
5. Xây dựng mục tiêu SEO
6. Nghiên cứu từ khóa
7. Tối ưu nội dung
8. Kênh truyền thông trực tuyến
Sở dĩ chúng ta đứng vững được là do chúng ta có một khung khung xương để định hình toàn bộ cơ thể, Content cũng thế, bắt buộc cần phải có các đề mục, nó chính là khung xương cho Content. Phải đứng vững được thì mới đi được chứ.
Hãy luôn nhớ công chúng mục tiêu của bạn là ai, đừng mất tập trung khi xây dựng Content, nếu không bạn sẽ bị phí công toi. Nếu bạn viết Content cho một người giỏi đọc, và bạn cảm thấy kiến thức về Content này của bạn chưa đủ tốt, hãy nghiên cứu thêm đến khi bạn hiểu thật sâu thì thôi. Nếu khi nào bí, tâm trạng không tốt, đừng cố viết thêm, đó là ác mộng!!! Và nhớ là luôn có mở đầu và kết thúc mỗi Content.
Sử dụng Google Search để tìm kiếm các từ khóa trong bước “Sử dụng từ khóa” hoặc chính các đề mục để tham khảo nội dung.
3.4. Tối ưu Content
Sau khi xây dựng xong Content, bạn lại có việc cần làm, đó là Tối ưu lại Content của mình, vậy tối ưu nó như thế nào?
a. Content Multimedia: Nếu là bài chia sẻ, tâm sự thì cần có hình ảnh/video/music chứ đừng để nguyên toàn chữ là chữ… Nếu là các sự kiện thì cần các chương trình thì cũng nên thêm vào các trò chơi, bữa ăn ngọt,.. Tóm lại, cần phải đa dạng hóa Content.
b. Đa dạng hóa Content: Sử dụng các loại Content khác nhau như e-book, videos, infographic,…
c. Bản quyền Content: Kể cả bạn không đăng ký bản quyền theo luật pháp, thì trong một số kênh, về bản quyền vẫn luôn có những luật ngầm riêng của nó. Ví dụ trên kênh Internet, việc bạn copy lại bài của 1 chuyên gia nào đó và tự nhận là của mình là 1 điều cấm kị. Hãy đóng dấu ảnh với logo của mình, ghi tên tác giả ở phía cuối, hay chòi cái mặt mình ở bất cứ đâu đó nếu bạn không muốn phí hoài công sức của mình thì đó là điều cần thiết.
d. Tối ưu SEO: Nếu bạn làm Content trên Internet, hãy tìm hiểu thêm quy trình làm SEO, bạn sẽ có một lượng người dùng nhất định truy cập vào Content của mình hàng ngày, hàng tháng.
e. Bố cục cho Content: Không phải tự nhiên mà các trang báo điện tử ở Việt Nam lại có bố cục tập trung vào bên trái màn hình, thực tế là người dùng có xu hướng nhìn từ trái sang phải. Tập trung bố cục vào bên trái sẽ khiến người dùng có những phản ứng tích cực hơn.
f. Xem lại Content: Điều đó không bao giờ là thừa, xem lại để sửa lỗi và tối ưu hơn. Đừng bao giờ nghĩ rằng xây dựng Content xong là xong. Hãy xem lại và chắc chắn rằng bạn không bị mắc 1 vài lỗi nhỏ nào đó.
g. Thăm dò công chúng mục tiêu: Hãy thử gửi cho 1 (hoặc 1 vài) người bạn thân thiết và có quan tâm đến cái bạn đang làm, để học đọc/xem/trải nghiệm thử xem thế nào, việc của bạn là nhận lại phản hồi và đóng góp từ họ để có nhìn nhận chính xác hơn cũng như những thứ cần xem xét về Content mà bạn vừa xây dựng xong.
3.5. Kênh truyền thông
Mục này thực chất là một mục riêng và không liên quan nhiều trong việc xây dựng Content, nhưng trong một vài trường hợp, nó là kỹ năng cần thiết, và chúng ta cần phải biết và ứng dụng.
Từ bước xác định công chúng mục tiêu, hãy tìm ra các kênh có chứa nhiều đối tượng mục tiêu nhất. Ví dụ trong trường hợp của mình xác định được 4 kênh hiệu quả:
- Group FB Cộng đồng iSEO: Chứa nhiều đối tượng mục tiêu.
- Group FB Social Media Group: Chứa nhiều đối tượng mục tiêu.
- Profile Facebook: Tập trung vào thương hiệu cá nhân.
- Các trang tin điện tử chuyên ngành: Tập trung vào thương hiệu cá nhân.
Tham khảo thêm: 6 kênh truyền thông kỹ thuật số dành cho doanh nghiệp
IV. Đo lường mục tiêu (hiệu quả)
Sau khi sản xuất xong Content một thời gian, giờ là lúc bạn cần đo lường hiệu quả mà Content đó mang lại, so sánh với mục tiêu bạn tự đưa ra trước đó.
Việc đo lường có thể dựa trên:
- Các tương tác trên mạng xã hội (like/share/comment/followers/…)
- Survey (phiếu đánh giá) Online/Offline
- Email cảm nhận cá nhân
- Rating (Chấm điểm)
- Bình luận (người quan tâm)
- Traffic (nguồn lưu lượng truy cập ngày/tháng)
- Doanh thu (Sales)
…
Việc đo lường mục tiêu (hiệu quả) sẽ giúp bạn định hình được những gì mình đã làm có hiệu quả tới đâu, từ đó có những tùy chỉnh, đánh giá hợp lý cho những mục tiêu sau này. Với bài viết ví dụ phía trên, mình đã đo lường được mục tiêu:
- Tăng Followers Facebook: Tăng hơn 300.
- Tăng Subcrides Email Website: Tăng hơn 50.
- Tăng Traffic truy cập Website: Mỗi ngày trung bình bài viết nhận được 20 vistors, tổng cộng đã nhận được hơn 1200 vistors.
- Thêm nhiều cơ hội hợp tác ngành đào tạo / tư vấn: 12 doanh nghiệp và trung tâm đào tạo đã liên hệ hợp tác làm việc, và mời làm diễn giả mảng SEO.
- Bình luận: 17 comments trên trang chính, tất cả đều là phản hồi tốt.
- Trang tin điện tử: 5 trang tin điện tử chuyên ngành đăng lại và rất nhiều blog cá nhân có sử dụng.
…
Nhìn vào những con số này, bạn có cảm thấy tích cực hơn không? Mình thì chắc chắn là có rồi! Vậy mới bảo, việc xác định mục tiêu, và đo lương mục tiêu là cần thiết, và phải đi liền với nhau mà.
Lời kết
Tất nhiên là sẽ còn rất rất nhiều những lưu ý, hay những vấn đề khác xoay quanh việc xây dựng Content. Nhưng hy vọng những chia sẻ trên đây của cá nhân mình, những gì mình đã và đang áp dụng, và nó đã mang lại những hiệu quả nhất định cho mình, nó có thể giúp bạn xây dựng Content tốt hơn và hiệu quả hơn.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài chia sẻ rất dài này của mình. Hãy đọc và chia sẻ cho mình những cảm nhận của bạn nhé.
Theo Trungduc.net
0 nhận xét:
Post a Comment